NGHIÊM TÚC, TRÁCH NHIỆM ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

     Nghiêm túc, trách nhiệm đóng góp vào Dự thảo Đề án xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.

     (BDO) Sáng 20-6, tại Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam đối với dự thảo đề án. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án và các đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

     Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, dự thảo đề án lấy ý kiến 63 Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương lần này là dự thảo lần thứ 3 được Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện trên cơ sở chắt lọc 27 chuyên đề chuyên sâu của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý có kinh nghiệm lý luận và thực tiễn sâu sắc tại 3 cuộc hội thảo quốc gia tổ chức tại ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên sâu.

   Ban Chỉ đạo xây dựng đề án đã tổ chức 3 phiên họp để xin ý kiến các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo về dự thảo đề án. Tổ biên tập xây dựng đề án với sự tham gia của nhiều cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học pháp lý đầu ngành của đất nước đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án để xin ý kiến các Tỉnh ủy, Thành ủy hôm nay.

     Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, dự thảo đề án đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của đất nước qua các thời kỳ, các nghị quyết của Trung ương, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; xác định rõ những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bản chất, đặc trưng cơ bản, bao trùm nhất, đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt nam lãnh đạo; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp…

     Trên cơ sở đó, đề án đã đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian qua; xác định quan điểm, mục tiêu, đột phá và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

     Tại hội nghị, các đại biểu đại diện Thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy đều đánh giá Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng dự thảo đề án có hàm lượng khoa học cao, có chất lượng cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.

     Đồng thời, đại diện các thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy đã nêu một số vấn đề xuất phát từ thực tiễn. như: Cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn nữa cho các địa phương gắn với giám sát thực thi công vụ và gắn với trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản trị điều hành để nhân dân giám sát gắn với chuyển đổi số quốc gia, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, kịp thời, thống nhất, lấy quyền lợi hợp pháp của người dân làm trung tâm; nâng cao chất lượng các văn bản luật và giảm các can thiệp mang tính hành chính; hình thành cơ chế và cơ sở pháp lý đầy đủ hơn về mô hình chính quyền đô thị…

     Đại diện các địa phương cũng cho ý kiến vào việc tăng cường các biện pháp phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng chính quyền địa phương, phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát…

     Các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung quan trọng như đánh giá ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian qua nêu trong đề án và dự thảo nghị quyết; quan điểm, mục tiêu, đột phá, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Nhất là, đối với mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và 3 đột phá chiến lược nêu trong dự thảo nghị quyết; 15 vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của đề án…

     Phát biểu tổng kết hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị lấy ý kiến diễn ra rất nghiêm túc, trách nhiệm; nhiều ý kiến thẳng thắn và có những điểm mới. Không khí thảo luận dân chủ, đặc biệt nhiều đại biểu đã có kiến nghị liên quan đối với Ban Chỉ đạo. Rất nhiều ý kiến cung cấp những vấn đề thiết thực của địa phương.

     Chủ tịch nước đánh giá cao Ban Nội chính Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo, các nhà khoa học, Tỉnh ủy, Thành ủy, trong đó có 21 địa phương phía Nam đã góp nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc. Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ biên tập xây dựng đề án, các nhà khoa học khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu đóng góp tại hội nghị vào dự thảo đề án một cách nghiêm túc, đồng thời giúp Ban Chỉ đạo trung ương tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan liên quan.

     “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có tầm quan trọng rất đặc biệt đối với sự phát triển của nước nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo…”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt một số chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng, Nhà nước về việc xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có vấn đề nâng cao nhận thức, quan điểm chỉ đạo, lộ trình thực hiện và một số nhiệm vụ của đề án.

Trí Dũng – Quốc Chiến

Để lại một bình luận