Để làm được điều đó, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên môi trường internet và mạng xã hội là một giải pháp quan trọng.
Mục tiêu xuyên suốt không thay đổi của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với Việt Nam là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là khi chúng ta đang chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng càng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách toàn diện, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tư tưởng chính trị, kinh tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp, v.v. Để thực hiện mục đích, chúng triệt để lợi dụng môi trường internet và mạng xã hội để làm nhiễu loạn thông tin, đưa tin thật giả lẫn lộn hòng làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là lớp trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ trong dẫn dắt đất nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước việc chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách; đồng thời, là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Để công tác này có hiệu quả, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:
Một là, phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Để đạt hiệu quả cao, cần quan tâm lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận chủ lực, nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò nòng cốt đấu tranh công khai, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, thiết lập các trang, nhóm, tài khoản mạng xã hội nhằm tiếp cận, chia sẻ thông tin tham gia đấu tranh phản bác trên internet, mạng xã hội với các hình thức, phương pháp linh hoạt (công khai, bán công khai); chú trọng chia sẻ thông tin tích cực, bài viết chuyên sâu của các cơ quan báo chí, học viện, nhà trường tạo “dòng chủ lưu” thực hiện phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực”.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tích cực thông tin và tăng cường đối thoại với nhân dân; chủ động, linh hoạt tham gia các vấn đề cụ thể của xã hội, bảo đảm sự liên kết, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương để cùng giải quyết khi có sự kiện xảy ra. Thường xuyên duy trì, thực hiện có hiệu quả việc phối hợp với các cơ quan chức năng; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, tạo thế trận rộng khắp, chặt chẽ trong đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái thù địch trên internet, mạng xã hội.
Hai là, thường xuyên bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trên mặt trận đấu tranh trên internet, mạng xã hội. Thực hiện phương châm công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu, không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 35 các cấp cần quan tâm biên soạn các tài liệu chuyên khảo, tham khảo, xây dựng ngân hàng comment làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các lực lượng đấu tranh trên không gian mạng. Duy trì tốt việc cung cấp thông tin cho cán bộ theo định kỳ, gặp mặt các đồng chí cán bộ nghỉ hưu, nghỉ công tác hằng năm; chủ động gặp những người có quan điểm khác biệt để cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất. Ở từng cấp cần duy trì tốt nền nếp chế độ hội ý cung cấp thông tin, định hướng nội dung, thống nhất biện pháp đấu tranh. Trong đó, cần chỉ rõ mục tiêu, luận điểm chống phá của các thế lực thù địch trong các tin, bài; cung cấp luận cứ đấu tranh phản bác từ hệ thống ngân hàng đã được biên soạn sẵn làm cơ sở cho lực lượng viết bài tham gia đấu tranh. Đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn, cũng như một số chủ trương, chính sách mới liên quan đến người dùng internet, mạng xã hội (Luật An ninh mạng), lãnh đạo, chỉ huy các cấp chỉ đạo cơ quan chức năng bám sát định hướng của trên chủ động xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về tư tưởng, kỹ năng, nghiệp vụ, tạo sự đồng thuận cao trong cơ quan, đơn vị và nhân dân.
Ba là, thường xuyên tổ chức các cuộc “diễn tập”, tọa đàm, trao đổi, rút kinh nghiệm giữa các cơ quan chức năng, lực lượng nòng cốt chuyên sâu trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức các cuộc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội nghị rút kinh nghiệm theo hướng thiết thực, hiệu quả, “cầm tay chỉ việc”. Chú trọng tổ chức một số cuộc “diễn tập” đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên interent, mạng xã hội (từ việc phát đường dẫn bài viết xấu độc, quy định mật danh, ký hiệu để bảo mật thông tin, triển khai các hình thức, phương pháp đấu tranh…), làm cơ sở cho các lực lượng hoàn thiện, phát triển kỹ năng đấu tranh. Lực lượng đấu tranh nòng cốt chuyên sâu phải thường xuyên được trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ; được trang bị đầy đủ, vững chắc lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các thông tin đấu tranh phải trung thực, khách quan, vì lợi ích lâu dài của dân tộc, của đất nước, mang tính đảng, tính khoa học cao.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị điện tử phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Ở tầm vĩ mô: Nhà nước cần xây dựng hệ thống thông tin phong phú, hiện đại, có khả năng tiếp cận, xử lý và khuếch tán vào dòng thông tin truyền thông quốc tế lượng thông tin đủ lớn, đủ mạnh để tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân nước ta với nhân dân các nước trên thế giới, góp phần vào việc phát huy và bảo vệ lợi ích kinh tế, định hướng chính trị, giá trị văn hóa của dân tộc, quốc gia và chế độ. Ở tầm vi mô: cần tăng cường và đổi mới cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm phát huy tính hiệu quả của các cơ quan báo chí truyền thông, hòa nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, tổ chức triển khai hệ thống giải pháp kỹ thuật phù hợp với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế để phục vụ việc đấu tranh ngăn chặn, xử lý các nguồn phát tán thông tin tiêu cực, xấu độc, nhất là các quan điểm sai trái, thù địch vi phạm pháp luật Việt Nam trên intenet, mạng xã hội.
Ban Chỉ đạo 35 các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương cần đầu tư xây dựng phòng (ban, tổ) điều hành kỹ thuật phục vụ công tác đấu tranh. Các cơ quan, đơn vị kỹ thuật cần nghiên cứu, đưa vào khai thác sử dụng các phần mềm phục vụ kiểm soát, phân loại thông tin tích cực, tiêu cực trên internet, mạng xã hội liên quan đến cơ quan, đơn vị; cảnh báo luồng dư luận quan tâm và nguy cơ xảy ra biểu tình ở các “điểm nóng”; phát triển Rô bốt mạng tham gia các chiến dịch truyền thông chủ động (phát tán nhiều thông tin tích cực, pha loãng, làm phân tán luồng thông tin tiêu cực, xấu độc), nhất là ở các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông. Quan tâm xây dựng phần mềm tạo lập nhanh các video clip, mạng Mocha phục vụ nhiệm vụ đấu tranh; đồng thời, bảo đảm xây dựng hệ thống máy tính ảo, sim nghiệp vụ phục vụ các lực lượng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội.
Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên, lực lượng chuyên sâu, … cần được triển khai đồng bộ, có hệ thống, với các chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả. Giải quyết tốt những vấn đề cơ bản trên, sẽ góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trước việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại tá, TS. ĐỖ DUY ÁNH, Văn phòng Tổng cục Chính trị