Chuyện xúc động về ‘ông đồ gàn’ Văn Như Cương và cô học trò khiếm thị

Khi cả gia đình Đào Thu Hương khóc hết nước mắt vì không trường nào nhận nữ sinh khiếm thị vào học, PGS Văn Như Cương đã bỏ tiền túi đóng học cho em.

Hơn một năm sau ngày mất của cố PGS Văn Như Cương, sáng 22/4, tại trường THCS – THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương công chiếu bộ phim tài liệu mang tên “Ông đồ gàn”. 

Khi thầy giáo quê Nghệ An còn sống, nhiều bạn bè coi PGS Văn Như Cương như “ông đồ gàn”, vì là người nguyên tắc, suy nghĩ, làm việc khác người. Mỗi mùa tuyển sinh, thầy Cương lại tắt điện thoại, để không phải nhận những lời nhờ vả. Thế nhưng, nhiều trường hợp “không nguyên tắc” lại được ông nhận vào trường.

Gây xúc động trong phim là câu chuyện của Đào Thu Hương, học sinh khiếm thị, học rất giỏi, đặc biệt là ngoại ngữ. Cô gái thi tốt nghiệp lớp 9 được 56,5 điểm, có thể đỗ vào trường tốt ở Hà Nội thế nhưng không nơi nào nhận vì là học sinh khiếm thị.

 
Đào Thu Hương (bên phải) trò chuyện với Hiệu phó Văn Thùy Dương khi về thăm trường cũ. Ảnh: Đ.T.

Trong khi gia đình hoang mang, tuyệt vọng đến “khóc hết nước mắt”, bố mẹ Hương được người quen giới thiệu đến trường Lương Thế Vinh. Thầy Cương, sau khi xem kết quả học tập, của Đào Thu Hương, đã nhận em vào trường. PGS nói trường là tư thục, thầy sẽ bỏ tiền túi để đóng học cho Hương.

GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội – nhớ lại khi đang ngồi trên giảng đường, ông thấy thầy Cương dẫn một cô bé khiếm thị vào, nhìn như hai ông cháu.

Thầy Cương giới thiệu Đào Thu Hương học trường Lương Thế Vinh. Theo quy chế tuyển sinh vào đại học, người thi vào ngành giáo viên phải có đủ điều kiện về sức khỏe. Thế nhưng, thầy Báo “đặc cách” nhận Hương thi và vào học. Tốt nghiệp, Đào Thu Hương là sinh viên xuất sắc, trở thành cô giáo dạy tiếng Anh.

Có mặt tại sân trường THCS – THP Lương Thế Vinh sáng nay, Đào Thu Hương xúc động chia sẻ: “Đã ra trường 13 năm, những thước phim về thầy thực sự là món quà cho em. Mặc dù không được học trực tiếp “ông đồ gàn”, các thế hệ giáo viên dạy Toán của em đều ảnh hưởng phong cách của thầy”.

Ông Trịnh Quang Tùng – Phó giám đốc và đạo diễn Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương – cho biết trong nhiều năm thu thập tư liệu từ cuộc đời PGS Văn Như Cương, ông gặp những trường hợp học sinh điển hình như Hương được thầy giúp đỡ. Trong đó, một học sinh bố mất, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mãi sau này mới biết thầy Cương đóng học phí cho mình.

“Tình cảm của thầy Văn Như Cương dành cho học trò còn lớn hơn những gì chúng ta nhìn thấy. Tôi mong những thế hệ học sinh của thầy tiếp tục lan tỏa tình yêu thương, để giá trị sống và tinh thần của thầy còn tồn tại mãi khi nghĩ đến những điều tốt đẹp”, ông Tùng bày tỏ.

Chuyen xuc dong ve ‘ong do gan’ Van Nhu Cuong va co hoc tro khiem thi hinh anh 2
Nhiều học sinh, giáo viên, khách mời xem phim tư liệu về PGS Văn Như Cương. Ảnh: Đ.T.

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn của trường, tên bộ phim là “Ông đồ gàn” mang ý nghĩa về con người có trí tuệ, bản lĩnh, đi tiên phong và mở đường, bao giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy Cương đã khởi nghiệp thành công nhờ sự “gàn” của mình để lại thương hiệu của Lương Thế Vinh. Cô Tuyết mong mỏi học sinh nhân được những bài học sâu sắc từ PGS Văn Như Cương.

Chia sẻ tại lễ công chiếu phim, bà Văn Thùy Dương – Phó hiệu trưởng nhà trường – cho biết thầy Văn Như Cương khởi nghiệp khi 52 tuổi. Bà mong muốn qua bộ phim, học sinh sẽ hiểu thêm về tinh thần của người sáng lập trường, hiểu về con đường tạo nên những điều đẹp đẽ trong cuộc đời, là sự trung thực, nỗ lực vượt khó khăn, chăm chỉ, giản dị… Tất cả làm nên điều tử tế.

theo Zing.vn

Để lại một bình luận