Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ gamma dùng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng”, mã số: KC.05.01/16-20” do Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2016-2019. Ngày 19/9/2019, tại trụ sở Viện Di truyền Nông nghiệp (DTNN), Trung tâm NDE cùng Viện DTNN – đơn vị phối hợp nghiên cứu đã tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề “Chiếu xạ đột biến phục vụ chọn tạo giống cây trồng nông nghiệp”. Hội thảo được tổ chức nhằm báo cáo kết quả nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị chiếu xạ dùng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, cũng như công bố một số kết quả chiếu xạ thử nghiệm.
Tham dự hội thảo có: ông Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam – Chủ nhiệm Ban chủ nhiệm chương trình KC05/16-20; ông Trịnh Cường – Ủy viên Ban chủ nhiệm chương trình KC05/16-20; ông Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử; ông Nguyễn Văn Quân – Chuyên viên Văn phòng Các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; ông Nguyễn Hữu Ngữ – Chuyên viên Vụ KH&CN các ngành Kinh tế – Kỹ thuật… Đơn vị tổ chức có: ông Phạm Xuân Hội – Viện trưởng Viện DTNN; ông Lê Đức Thảo – Phó Viện trưởng Viện DTNN; ông Vũ Tiến Hà – Giám đốc Trung tâm NDE…Hội thảo cũng thu hút sự tham gia của các đại diện đến từ Viện Bảo vệ thực vật, Sở KH&CN Hà Nội, sinh viên một số trường đại học, cán bộ nghiên cứu của hai đơn vị tổ chức…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Hà đã khái quát sơ lược nội dung chương trình hội thảo. Trên cơ sở ứng dụng năng lượng nguyên tử trong chọn tạo giống cây trồng, nhóm thực hiện đề tài đã tận dụng nguồn phóng xạ Co-60 đã qua sử dụng để chế tạo thành công thiết bị chiếu xạ “GAMMA cell” gây đột biến giống cây trồng, nhằm phục vụ cho Viện DTNN nói riêng và ngành nông nghiệp của Việt Nam nói chung.
Mở đầu hội thảo, TS. Lê Đức Thảo, Phó Viện trưởng Viện DTNN đã trình bày báo cáo “Tiềm năng của đột biến trong tạo giống cây trồng”. Báo cáo đã chỉ ra cụ thể những thành tựu trong chọn giống bằng đột biến. Theo đó, trên thế giới, tính đến cuối năm 2016, có khoảng 3234 giống đột biến đã được tạo ra và đưa vào sản xuất, mang lại hàng tỷ đô la lợi nhuận. Ở Việt Nam cũng có 14 viện, trường tham gia vào chọn giống bằng đột biến; tínhđến cuối năm 2017 đã đưa vào sản xuất 67 giống, trong đó chủ yếu là lúa, ngô, đậu tương, hoa. Viện DTNN đóng góp 41 giống (chiếm 68.3%), riêng với giống lúa góp 27/46 giống(chiếm 27%). Tuy nhiên từ trước đến nay, Viện DTNN phải xử lý đột biến tại các cơ sở chiếu xạ y tế và công nghiệp, do đó việc tiếp nhận thiết bị chiếu xạ mới có ý nghĩa lớn, giúp các nhà khoa học nông nghiệp chủ động hơn trong công tác nghiên cứu. Nhân đây, ông cũng gửi lời cảm ơn và mong muốn Trung tâm NDE tiếp tục hỗ trợ Viện DTNN trong việc vận hành và đảm bảo an toàn bức xạ.
Tiếp theo, TS. Nghiêm Xuân Khánh và KS. Đinh Chí Hưng (cán bộ thực hiện đề tài – Trung tâm NDE) đã có bài giới thiệu chi tiết về thiết bị chiếu xạ. Dựa trên cơ chế hoạt động của thiết bị chiếu xạ THERATRON-780 sử dụng trong y tế, nhóm đã nghiên cứu và thiết kế thành công thiết bị GAMMA cell dùng nguồn Co-60 có hoạt độ 236 Ci (06/8/2018), có thể sử dụng được trong khoảng 15 năm tới. Thiết bị áp dụng 5 kỹ thuật xác định liều: Tính toán lý thuyết, mô phỏng MCNP, liều kế TLD, buồng ion hóa và liều kế Fricke. Trong đó, buồng Ion hóa và liều kế Fricke cho kết quả với độ chính xác và lặp lại tốt nhất. Về tính an toàn, nhóm thiết kế 1 hệ đo cảnh báo phóng xạ 4 kênh, gắn trực tiếp tại 2 đầu thiết bị và phòng chiếu xạ; ngoài ra còn có các hệ thống camera trong và ngoài khu vực, có thể truyền trực tiếp đến máy tính làm việc của nhân viên, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn và an ninh theo quy định. Đây cũng là thiết bị chuyên dụng (dạng gmama cell) đầu tiên mà Trung tâm NDE và Viện NLNTVN chế tạo thành công và chuyển giao cho ngành nông nghiệp với hy vọng và mong muốn góp phần thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành KT-XH ở Việt Nam.
Kết quả việc sử dụng thiết bị chiếu xạ thử nghiệm trong 2 năm 2018-2019 trên mẫu đậu tương DT2012 (khô và nảy mầm) tại Trung tâm NDE theo quy trình thực hiện của Viện DTNN được tổng hợp trong phần báo cáo của ThS. Nguyễn Văn Mạnh (Viện DTNN). Sau khi chiếu xạ, hạt giống đã được trồng tại Đan Phượng, Hà Nội, với dải suất liều chiếu từ 0-250 Gy, đã gây ra hàng loạt các biến dị kiểu hình khác nhau của đậu tương ở thế hệ M1 và M2, tần số biến dị có xu hướng tăng theo liều chiếu, đạt cao nhất ở 250 Gy ( 58,5%). Những kết quả này hoàn toàn phù hợp với các thực nghiệm trước đây trên các giống đậu tương đột biến được nghiên cứu tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Trong phần báo cáo của TS. Võ Thị Minh Tuyển – Viện DTNN về “Ứng dụng của tia gamma trong chiếu xạ đột biến” đã đưa ra những ưu, nhược điểm của tia gamma khi chiếu xạ trực tiếp cũng như gián tiếp lên các giống cây trồng. TS. Võ Thị Minh Tuyển cũng nhấn mạnh lại việc cần phải tính toán cụ thể và chính xác mức liều chiếu sao cho phù hợp nhất, nâng cao hiệu quả gây tạo biến dị phục vụ chọn tạo giống.
Kết thúc phần báo cáo, hội thảo đã có các ý kiến trao đổi, đóng góp từ các khách mời. Các ý kiến xoay quanh vấn đề về việc nâng cao hiệu quả chọn giống đột biến bằng việc ứng dụng các công cụ công nghệ sinh học hiện đại hỗ trợ sàng lọc, chọn giống theo định hướng; nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị chiếu xạ gây đột biến cho các cơ quan nghiên cứu trong hệ thống, không chỉ riêng với giống cây trồng mà còn đối với các ứng dụng khác như tiệt sinh côn trùng ở ruồi đục quả…Các đại biểu cũng thảo luận và mong muốn mở rộng, có thêm các thiết bị chiếu xạ như gamma room, gamma house… để từng bước đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng gây tạo đột biến ở nước ta hiện nay.
Cuối buổi hội thảo, toàn thể đại biểu đã tham quan trực tiếp phòng đặt thiết bị chiếu xạ.
Hội thảo là một phần nội dung của đề tài KC.05.01/16-20. Với những kết quả đã đạt được, đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu và sản phẩm đăng ký; dự kiến sẽ nghiệm thu cấp cơ sở trong tháng 9 và sẽ hoàn thành nghiệm thu cấp Nhà nước trong tháng 10/2019.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (QT)
Nguồn: http://tuoitrebinhduong.vn/News/lc/14789/chieu-xa-dot-bien-phuc-vu-chon-tao-giong-cay-trong-nong-nghiep