Chi đoàn Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Bình Dương tổ chức về nguồn tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Tam Giác Sắt và Khu di tích lịch sử Bộ Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh

***Chi đoàn Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Bình Dương tổ chức về nguồn tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Tam Giác Sắt và Khu di tích lịch sử Bộ Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh***

Thiết thực chào mừng kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt; kỷ niệm 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3/1910 – 08/3/2019; kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng Dầu Tiếng (13/3/1975 – 13/3/2019); Tiến đến chào mừng kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2019); kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng Miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2019) thống nhất đất nước và Quốc tế Lao động (01/5).


Ngày 08/3/2019, Chi đoàn Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Bình Dương tổ chức chuyến về nguồn thăm quan, tìm hiểu Di tích lịch sử Địa đạo Tam Giác Sắt tại xã An Tây, thị xã Bến Cát và Bộ Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh tại xã Minh Tân, Huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Tại đây các bạn trẻ đoàn viên, thanh niên đã dâng hương tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, đã hi sinh vì độc lập danh tộc; là tình cảm thiêng liêng; là biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo và sâu sắc, thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”; nhớ về tổ tông, về nghĩa “đồng bào” để cùng nhau làm nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.


“Di tích Bộ Chỉ huy Tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh là di tích tiêu biểu, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ huy đúng đắn, trực tiếp và sáng tạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Di tích mặc dầu là một cơ quan tạm thời (trong khoảng thời gian từ 26/4-30/4/1975), nhưng đã thể hiện được vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt trong chiến lược chiến tranh của thời đại mới, mà trực tiếp là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 11/5/2010.
Sở dĩ gọi là di tích Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Mình là vì Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập ở căn cứ quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại ấp Tà Thiết Krom – Lộc Thành – Lộc Ninh, Sông Bé. Sau cuộc họp ngày 25/3/1975 của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, theo sự phân công của Bộ chính trị, cùng ngày, đồng chí Lê Đức Thọ vào Lộc Ninh để cùng các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Khi chiến dịch sắp mở màn, để trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu sát với tình hình tác chiến cơ quan, Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị mà trực tiếp là đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Văn Tiến Dũng quyết định chuyển tới căn cứ tiền phương sát với chiến trường hơn và chọn Căm Xe làm Bộ chỉ huy Căm Xe, hay còn gọi là Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh.
Với vị trí đã được xác định chuyển dời này, di tích Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm quan trọng quyết định sự chỉ đạo đúng đắn và sáng suốt, trực tiếp, nhanh nhẹn nhằm tạo thuận lợi cho thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của Bộ chính trị giao cho giải phóng Sài Gòn – Gia Định, giải phóng Miền Nam trước mùa mưa, kết thúc thắng lợi 30 năm đấu tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang của nhân dân ta một cách trọn vẹn với thời gian nhanh nhất”. .
“Di tích lịch sử Địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một 15 km về phía nam. Với vị trí và tầm vóc trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, địa đạo ba xã Tây Nam Bến Cát được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 18/3/1996, có tổng diện tích 230.000m2.


Khu địa đạo tiếp giáp với các nơi: phía Đông giáp các thị trấn Mỹ Phước, Thới Hòa, Tân Định, phía Tây giáp sông Sài Gòn, phía Nam giáp xã Tân An (Thủ Dầu Một), phía Bắc giáp xã An Lập, Long Nguyên (Bến Cát), và đây cũng chính là cái nôi của vùng “Tam giác sắt”.
Tên “Tam giác sắt” đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược trước đây. Nhưng cũng không ít người chưa có dịp dù chỉ một lần đến nơi này. Ngày nay, nhiều người hiểu “Tam giác sắt” rất khác nhau. Có người cho rằng “Tam giác sắt” là vùng Tây Nam Bến Cát, cũng có người cho rằng nó bao gồm phần đất Tây Nam Bến Cát – Dầu Tiếng – Long Nguyên. Rộng hơn nữa, có người cho rằng nó kéo dài từ Long Nguyên (Bến Cát) – Trảng Bàng (Tây Ninh) và Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh). Tất cả đều đúng, vì địa danh “Tam giác sắt” cùng phát triển theo bước phát triển của cuộc chiến tranh. Duy chỉ có một điều ít ai nghĩ tới là nguồn gốc ban đầu của “Tam giác sắt” lại chính là địa bàn của 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An (3 xã Tây Nam của huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát sớm được nổi danh với chiến khu An Thành. Thuở đó, An Thành đã từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu Bộ Miền Đông, xứ Ủy Nam Bộ, Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định,… nhờ đó mà người dân địa phương sớm được giác ngộ cách mạng và đã từng đương đầu với biết bao thử thách ác liệt nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh của nhân dân ta.
Điều đặc biệt và lý thú là vào năm 1948, hệ thống địa đạo đầu tiên xuất hiện từ vùng đất này. Sau đó năm 1960, du kích Củ Chi đến học tập kinh nghiệm và xây dựng hệ thống địa đạo ở địa phương mình.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đã nhiều lần càn đi xát lại, nhưng chúng không khuất phục nổi lòng dân ở đây. Đến khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp chiến đấu ở Miền Nam, năm 1967 bằng đủ loại binh hùng tướng mạnh và những phương tiện giết người hiện đại nhất, chúng mở cuộc càn Ce – da – phôn (2/1-21/1967) với quy mô lớn gồm 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B.52 hòng hủy diệt mục tiêu quan trọng này. Nhưng dựa vào hệ thống địa đạo quanh co, chằng chịt, quân và dân ta lúc ẩn, lúc hiện bí mật bất ngờ mở đợt chống càn quyết liệt. Cuối cùng giặc Mỹ phải rút lui. Với sự thất bại thảm hại, 3.200 tên Mỹ ngụy bị diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi hoặc bị thương, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy… Trong trận này nổi lên anh hùng bắn tỉa: Nguyễn Văn Đực, chỉ 10 viên đạn tiêu diệt 9 tên xâm lược, hoặc Võ Thị Huynh, anh hùng lực lượng vũ trang từng lăn mình dưới làm bom đạn để chăm sóc, bảo vệ thương binh.
Sau những thất bại liên tiếp, kẻ thù đành bất lực, chúng phải gọi vùng này là vùng “Tam giác sắt” (Địa đạo Tây Nam Bến Cát).


Địa đạo Tây Nam không đơn thuần mang ý nghĩa địa danh, mà nó là biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một ”Làng ngầm” kỳ diệu. Đây là một công trình độc đáo, chỉ riêng việc chuyển tải hàng vạn mét khối đất đem đi phi tang ở nơi khác để giữ bí mật địa đạo đã là chuyện vô cùng gian khổ, công phu, là biểu hiện sự đồng tâm hiệp lực của quân dân. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất vừa đánh giặc giữ làng”.
Được thăm quan, tìm hiểu Di tích lịch sử Địa đạo Tam Giác Sắt tại xã An Tây, thị xã Bến Cát và Bộ Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh, được xem lại những hình ảnh, những đoạn phim tư liệu đã giúp các bạn đoàn viên, thanh niên luôn tự hào, ghi nhớ, tri ân công lao của các vị anh hùng đã quên thân mình vì tổ quốc, từ đó luôn cố gắng làm việc, thi đua, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đồng thời phát huy tốt truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta.

 

Để lại một bình luận