CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THỰC HIỆN VĂN HÓA TỪ CHỨC KHI KHÔNG ĐỦ KHẢ NĂNG, UY TÍN

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”.

Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi,” “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên.” Mới đây nhất, ngày 9-5-2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định 144), gồm 6 điều với 21 điểm, quy định cụ thể các yêu cầu, tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Đây là một trong những văn kiện thể hiện tầm tư duy mới, đánh dấu bước phát triển cao trong nhận thức và hành động của Đảng…

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW vào dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), các cán bộ, đảng viên đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần soi chiếu vào các nội dung của Quy định số 144-QĐ/TW để tự sửa mình, hoàn thiện mình mỗi ngày. Trong đó, gắn việc học tập với không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và hướng về cơ sở, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Theo Quy định 144-QĐ/TW năm 2024, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên được chia thành 05 vấn đề lớn.

Điều 1: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc;

Điều 2: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập;

Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;

Điều 4: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm;

Điều 5: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Cho đến nay, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cao nhất là Điều lệ Đảng, tới quy định những điều đảng viên không được làm; quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên; quy định chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên… Các văn bản đó đều nhất quán tính cương quyết cách mạng của Đảng, tuyệt đối giữ sự trung thành với cách mạng, với Tổ quốc và nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bồi đắp đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên càng có ý nghĩa sâu sắc hơn bao giờ hết. Quy định 144 của Bộ Chính trị được ban hành vào thời điểm này gửi thông điệp tới hơn 5,3 triệu đảng viên và gần 52 nghìn tổ chức cơ sở Đảng một sự cảnh tỉnh: Nếu như ai đó không còn sự trong sáng cách mạng thì không nên đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Điều này càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn khi mà Đảng đúc rút kinh nghiệm qua 94 năm lãnh đạo cách mạng nước nhà, nhất là gần 40 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới có tính lịch sử. Đó là, nếu như không siết chặt kỷ cương từ trong nhận thức và hành động thì uy tín của Đảng sẽ mai một, không còn được lòng dân tin yêu nữa, lúc đó khó tránh khỏi “cơ đồ đắm biển sâu”. Bài học cay đắng, đau xót của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu hơn 30 năm trước cho đến nay vẫn còn nóng bỏng…

Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới là lẽ tự nhiên, trong đó phản ánh quy luật sinh tồn của một dân tộc giàu truyền thống văn hóa, lấy đạo đức làm cái gốc, lấy trí tuệ làm đòn bẩy sức mạnh tự lực, tự cường để chế ngự thiên nhiên và cải biến xã hội, lấy muôn dân làm đối tượng phụng sự. Tín nhiệm và thanh danh đều phải dựa vào sự hài lòng của nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước, sự khâm phục của bạn bè thế giới. Khát vọng dân tộc có thành hiện thực hay không, trước hết phải dựa vào sức mạnh ý chí tự lực, tự cường từ mỗi cán bộ, đảng viên, qua đó truyền cảm hứng cách mạng, lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Căn cứ vào nội dung được quy định tại Điều 3 của Quy định số 144-QĐ/TW, lòng tự trọng, phẩm giá của cán bộ, đảng viên được nêu cao là nhằm để “bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng.” Còn một biểu hiện cụ thể của việc bảo vệ danh dự của cá nhân người lãnh đạo và tập thể là “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.”

Điều 3 đề cập tới các tiêu chí trung thực, tự trọng, danh dự, phẩm giá: “Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.

Căn cứ vào nội dung được quy định tại Điều 3 của Quy định số 144-QĐ/TW, lòng tự trọng, phẩm giá của cán bộ, đảng viên được nêu cao là nhằm để “bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng.” Còn một biểu hiện cụ thể của việc bảo vệ danh dự của cá nhân người lãnh đạo và tập thể là “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.”

Trước đó, ngày 03/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Theo Quy định số 41-QĐ/TW, từ chức là việc “cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.” Căn cứ để xem xét việc từ chức là cán bộ có “hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.” Như vậy, có thể nói rằng Quy định số 144-QĐ/TW là sự tiếp nối và hoàn thiện đối với Quy định số 41-QĐ/TW về quan điểm từ chức.
Điều 6 Quy định 41-QĐ/TW năm 2021 quy định việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

– Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

– Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

– Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

– Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực; căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

– Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.

– Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.

– Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng. (Điều 7 Quy định 41-QĐ/TW năm 2021)

Căn cứ vào quy định mới, các cán bộ dù ở địa phương hay Trung ương, ở cấp thấp hay cấp cao, đều phải có ý thức tự nguyện rời khỏi vị trí khi không còn đủ khả năng, uy tín, tạo thành “văn hóa từ chức.” Đây là hành động cần thiết của những người có lòng tự trọng và cũng là giải pháp khả dĩ trong bối cảnh cụ thể để bảo toàn danh dự cho bản thân và tổ chức mà họ đang lãnh đạo.

Văn kiện trên không đơn thuần là sự cập nhật quan điểm chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, mà còn là sự phát triển, bổ sung và hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Đây cũng sẽ là căn cứ chính trị để chuẩn bị tốt công tác nhân sự phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng./. 

Tác giả bài viết: Hiền Thanh

Để lại một bình luận