BẢO VỀ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

Sự cần thiết

Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường; thuận lợi, thời cơ đan xen với khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề mới, cấp bách đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách, mọi cơ hội xuyên tạc chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng ta hòng làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Trước tình hình đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

II. Nền tảng tư tưởng của Đảng

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự sáng tạo độc đáo của Hồ Chí Minh. Người đã thành công trong vận dụng, sáng tạo học thuyết Mác – Lênin về quy luật ra đời của đảng cộng sản: “Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học về con đường giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột bất công, tiến tới thực hiện sự nghiệp giải phóng con người. Học thuyết này được sáng lập bởi C. Mác, Ph. Ăngghen, sau đó được V.I. Lênin vận dụng và phát triển trong thực tiễn. Trên phạm vi thế giới, chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin phân tích đúng bản chất, phê phán chủ nghĩa tư bản sâu sắc nhất, triệt để nhất.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển của các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”

Tại Đại hội VI (12/1986), Đảng ta nhấn mạnh: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đến Đại hội VII (6/1991), Đảng bổ sung điểm mới: “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”; đồng thời khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta. Từ đây, chủ nghĩa Mác – Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) được thông qua tại Đại hội VII đã xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”. Đây là bước phát triển lớn trong tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn của Đảng về việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ quan điểm nhất quán về mặt tư tưởng: chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là bộ phận cơ bản cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này không chỉ bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng mà còn thể hiện rõ lập trường kiên định, ý chí quyết tâm của Đảng trong việc bảo vệ tính khoa học, tính cách mạng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu khủng hoảng, sụp đổ những năm đầu của thập kỷ 90.

Kế thừa tinh thần đó, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Điều này tiếp tục được nhấn mạnh hơn ở Đại hội XII (năm 2016): “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”.

Với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của 35 đổi mới đất nước, tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của Đảng. Đại hội XIII đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam. Đó là: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.

III. Tại sao phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Xuất phát từ bản chất cách mạng, khoa học và giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin đã được kiểm nghiệm, khẳng định bởi thực tiễn trong hơn 92 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa cộng sản, ánh sáng chân lý của mọi thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy ở hệ lý luận mácxít con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng nhân loại, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công – Đây là mong muốn của Nhân dân Việt Nam từ ngàn đời nay: đấu tranh giải phóng dân tộc và nguyện vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của.

Xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ ngày thành lập đã được Hồ Chí Minh khẳng định là một Đảng kiểu mới – Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, mang bản chất của giai cấp công nhân. Đảng luôn luôn lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Nhận thức sâu sắc về nguy cơ phân liệt, tan rã về chính trị, tư tưởng và tổ chức, từ rất sớm, Đảng ta đã thấy rõ tính tất yếu và luôn chủ động đề ra chủ trương phải bảo vệ đảng. Vì vậy, trong Văn kiện chính thức: Phong trào công nhân (Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương), tháng 10/1930, Đảng ta chỉ rõ: “Giải thích cho công nhân mục đích và đường lối của Đảng Cộng sản trong các vấn đề liên quan đến cuộc sống của công nhân và thái độ đối với các sự kiện lớn diễn ra trong nước. Giải thích cho họ rằng, Đảng Cộng sản là Đảng của họ, vì vậy họ cần phải bảo vệ Đảng”(12). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sự ra đời của nhà nước Việt Nam – Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Châu Á, là minh chứng sinh động về tính đúng đắn của Đảng và Bác Hồ khi vận dụng sáng tạo, khoa học Chủ nghĩa Mác – Lênin trong giải phóng dân tộc ở Việt Nam.  

Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã để lại nhiều bài học quý giá cho chúng ta, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Các nước XHCN mà đứng đầu là Liên Xô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ghi dấu ấn trong lịch sử văn minh nhân loại. Nhưng thật trớ trêu, một số Đảng Cộng sản cầm quyền, trước hết và chủ yếu là Đảng Cộng sản Liên Xô, lại để mất quyền lãnh đạo, làm cho hệ thống XHCN hùng mạnh được họ dẫn dắt sụp đổ, tan rã. Một trong những nguyên nhân khiến Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã là đã mắc mưu của chủ nghĩa đế quốc, của các nhà tư tưởng chống cộng, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, thay đổi các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin bằng những luận điểm của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Một loạt vấn đề cơ bản của học thuyết Mác – Lênin đã bị “tư duy chính trị mới” làm cho sai lạc. Đặc biệt là người ta xem nhẹ vấn đề đấu tranh giai cấp, nhấn mạnh những giá trị chung toàn nhân loại; xem nhẹ chuyên chính vô sản, nhấn mạnh hòa hoãn, nhân quyền, cho rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, xét lại sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; nhấn mạnh vấn đề dân tộc, xem nhẹ chủ nghĩa quốc tế; nhấn mạnh vấn đề dân chủ công khai, xem nhẹ vấn đề kỷ luật tập trung thống nhất trong Đảng… Từ chỗ xa rời chủ nghĩa Mác – Lênin, người ta phạm sai lầm nghiêm trọng về đường lối, xa rời con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, ngả dần sang thân phương Tây, đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội dân chủ, ảo tưởng trông chờ vào sự cưu mang giúp đỡ của chủ nghĩa tư bản nước ngoài.

Liên Xô hỗn loạn trước thời điểm tan rã hoàn toàn – sự nguy hiểm của chiến lược Diễn biến hòa bình

Hơn nữa, xuất phát từ âm mưu, thủ đoạn và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, thủ đoạn thâm độc của chúng là làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ, lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Điều đó cho thấy việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thực trạng hiện nay, sự phát triển, bùng nổ về công nghệ thông tin đã tác động đến một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều đó đã và đang làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Nếu chúng ta không tiếp tục đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì không những thành quả cách mạng đã giành được sẽ bị các thế lực thù địch, phản động cướp mất, mà còn dẫn đến tình cảnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ “tự hủy hoại mình”, không thể thực hiện được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

IV. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch

Ở Việt Nam, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch đặc biệt coi trọng việc phá hoại tư tưởng, coi đó là mũi nhọn, là con đường ngắn nhất dẫn tới sự xói mòn về niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Các thế lực thù địch, phản động thực hiện hoạt động tuyên truyền, chống phá Đảng bằng nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt, nhắm đến đa dạng đối tượng, nhưng chủ yếu là trí thức, văn nghệ sĩ; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hưu trí, cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên; người lao động… Chúng thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động xuyên tạc lịch sử; thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội và công an; Tích cực đẩy mạnh thực hiện một số thủ đoạn chống phá mới, đó là: Tìm cách đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa ra những luận điệu lập lờ, lẫn lộn giữa hai mặt tích cực và tiêu cực, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đến đảng viên và nhân dân. Khuyến khích những quan điểm lệch lạc và những khuynh hướng xã hội “dân chủ” kiểu Mỹ và phương Tây hòng làm cho người dân thấy hoài nghi về “xã hội Việt Nam” và mơ tưởng về một “xã hội khác” được cổ xúy là tốt đẹp hơn. Với mưu đồ gây chia rẽ nội bộ, làm cho Đảng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, chúng ra sức tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc là thanh trừng nội bộ. Chúng còn thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự… đưa những thông tin sai lệch, nhằm tạo khoảng trống trong tư tưởng nhân dân, làm cho nhân dân hoài nghi, mất niềm tin với chế độ, Đảng và nhà nước, từ đó chúng kích động các hoạt động gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Đây là “cuộc chiến không khói súng” nhưng nếu chúng ta mơ hồ, mất cảnh giác sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, trước mắt đó là bài học về sự sụp đỏ của Liên Xô và các nước xã hội ở Đông Âu. Vì thế, chúng ta cần đề cao cảnh giác, chủ động tấn công, đổi mới tư duy, có phương thức, biện pháp thích hợp, tăng cường tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, chính xác các quan điểm, tư tưởng, lý luận của Đảng, phản bác một cách mạnh mẽ, quyết liệt để kịp thời ngăn chặn sự chống phá về tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch dưới bất cứ hình thức nào. Điều quan trọng là làm cho tư tưởng, lý luận của Đảng thấm sâu trong mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ để chính họ là những chủ thể mạnh mẽ, vững chắc làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch.

Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ cụ thể mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã triển khai công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết số 01-NQ/TW về “Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”(3/1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (2/1995); Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái và hoạt động tán phát tài liệu chống Việt Nam” (1/2002); Thông báo Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường nhiệm vụ chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa” (12/2002); Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá” (4/2009); Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (5/2011) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay“(1/2012); Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”(5/2016) và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (10/2016); Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (10/2018, Nghị quyết số 35-NQ/TW); Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư về “Việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội“(6/2019)…

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, sự quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị…, hầu hết cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân đều có nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trận địa tư tưởng chính trị được giữ vững, khẳng định địa vị chủ đạo của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống chính trị – tinh thần ở Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế được Đại hội XIII của Đảng tổng kết: “…Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi tính chiến đấu chưa cao, còn bị động, lùng túng. Việc dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và định hướng dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời.

Kết quả thực hiện một số chủ trương của Đảng về quản lý báo chí, xuất bản, quản lý internet, mạng xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu. Vai trò của văn học, nghệ thuật trong công tác tư tưởng chưa được phát huy đầy đủ. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới, khó, phức tạp thực tiễn đặt ra chưa được làm sáng tỏ”.

 Để làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước; phổ biến những thành tựu mà Đảng ta đã đạt được trên cơ sở vận dụng đúng đắn, sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới. Phát huy hiệu quả đội ngũ cộng tác viên trong tham gia viết bài đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên các báo, tạp chí. Đồng thời, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc chia sẻ thông tin tích cực, bài viết chuyên sâu, thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực”.

Hai là, tăng cường xây dựng, chính đốn Đảngnâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là giải pháp căn cơ trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là tiền đề quan trọng để xây dựng cơ quan, đơn vị “mẫu mực, tiêu biểu”; đồng thời, tạo môi trường trong sạch, lành mạnh để ngăn ngừa sự xâm nhập những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch vào đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng nâng cao chất lượng ra nghị quyết, sinh hoạt đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng; tập trung vào giáo dục “đạo đức người cán bộ, đảng viên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Gắn xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, cao đẹp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt phải nêu gương thực hành đạo đức, tạo sự lan tỏa thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ba là, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trước các vấn đề xã hội, tạo thế chủ động trên mặt trận đấu tranh trên internet, mạng xã hội. Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội trước các sự kiện, vấn đề nảy sinh, tạo thế chủ động trên mặt trận đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch. Thông tin kịp thời các phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, chỉ rõ mục tiêu, luận điểm sai trái và cung cấp luận cứ đấu tranh phản bác, làm cơ sở cho các lực lượng viết tin, bài đấu tranh. Đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn cần bám sát định hướng của trên, chủ động xây dựng các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất cao trong hoạt động đấu tranh.

Bốn là, thường xuyên nắm tình hình, tổ chức công tác đối thoại, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tạo thế trận lòng dân vững chắc.

Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, qua đó góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới, tạo  điều kiện, tiền đề vững chắc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, quyết tâm mạnh mẽ hơn để phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, vững bước đi lên theo định hướng XHCN./.

Để lại một bình luận