BẢO VỆ CHÍNH TRỊ NỘI BỘ LÀM CHO CÁC TỔ CHỨC ĐẢNG NGÀY CÀNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH

Bảo vệ chính trị nội bộ là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; có ý nghĩa sống còn đối với sinh mệnh của Đảng, sự sống còn của chế độ và lợi ích quốc gia-dân tộc. Trong suốt 94 năm qua, Đảng ta đã rất chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược lâu dài.
 Đảng ta xác định: Bảo vệ chính trị nội bộ chính là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Đại hội XIII của Đảng đã xác định bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là “làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…”. Đồng thời, xác định “tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng nắm vấn đề chính trị hiện nay. Chủ động đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, nhất là các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, những cán bộ, đảng viên, những người lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ”.

Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng công tác bảo vệ chính trị nội bộ là để duy trì vai trò độc tôn của Đảng, duy trì địa vị và quyền lợi của một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không phải là vì lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân. Các đối tượng chống phá cố tình không hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
 Công tác bảo vệ chính trị nội bộ không chỉ đơn thuần là công tác để bảo vệ Đảng mà còn là để làm trong sạch Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, loại trừ các yếu tố tiêu cực nảy sinh trong nội bộ đảng làm cản trở sự phát triển của đảng, góp phần làm cho các tổ chức đảng ngày càng trở nên trong sạch, vững mạnh.
 

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Với bản chất của chế độ và nhà nước xã hội chủ nghĩa “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì việc bảo vệ Đảng, làm cho Đảng trở nên trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng cũng chính là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân.

Song không chỉ dừng lại ở đó, các thế lực thù địch còn cố tình suy diễn cho rằng, sở dĩ Đảng ta phải tiến hành công tác bảo vệ chính trị nội bộ là để “ngụy trang”, “che đậy” cho những “phức tạp không nhỏ” diễn ra trong nội bộ như: sự mất đoàn kết; sự tranh giành địa vị, phe nhóm, bè phái; sự suy thoái về lý tưởng, niềm tin, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ; hay tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,… đang ngày càng tăng lên trong nội bộ Đảng.

 Đáng buồn là những luận điệu sai trái này không chỉ được tuyên truyền bởi các thế lực chống phá, phản động mà còn được sự tiếp tay của một số cá nhân, trong đó có cả những người từng có uy tín, công lao nhất định với đất nước, nhưng do bị suy thoái về tư tưởng, sai lầm về nhận thức nên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trở nên bất mãn, thù hằn chế độ, gây tác động xấu đến dư luận xã hội. Hiện tượng này cần phải được nhận diện, thông tin kịp thời giúp người dân hiểu rõ, không để các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ, hoặc tin nghe theo những luận điệu sai trái, thù địch.
 
Có thể thấy rằng trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ thì vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ hiện đang bị các thế lực thù địch lợi dụng khai thác triệt để. Một mặt, chúng lợi dụng những yếu kém, hạn chế, sai lầm của một bộ phận cán bộ dẫn đến tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản công, quản lý kém hiệu quả… trong thời gian qua để tuyên truyền, xuyên tạc hòng khoét sâu thêm những bức xúc của nhân dân.

Mặt khác, công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn những hạn chế, bất cập. Nhận thức, ý thức và trách nhiệm về yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Một số quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa cụ thể, chưa bao quát hết những vấn đề thực tiễn nảy sinh. Công tác nắm tình hình, cập nhật thông tin về chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ giữa các cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên. Công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, phân cấp chưa rõ ràng. Công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, kịp thời, còn sơ hở, mất cảnh giác.

Một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm

1. Tiếp tục quán triệt và nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Cần nhận thức rõ: Bảo vệ chính trị nội bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó quan trọng và thường xuyên nhất là các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể.

2. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Bồi dưỡng, nâng cao tinh thần, đạo đức cách mạng, đề cao cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Phát hiện, đấu tranh với các hoạt động phá hoại tư tưởng chính trị, các hành vi vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng, các dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”, cá nhân chủ nghĩa, tư bản thân hữu. Tôn trọng, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng Đảng thật sự trọng sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Giữ gìn đạo đức, lối sống, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên là những yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, Tổ quốc.

3. Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch đến chính trị nội bộ. Duy trì thường xuyên các hoạt động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ tư tưởng chính trị của Đảng. Ngăn chặn, bóc gỡ, áp đảo các thông tin không chính thống, tin xấu độc gây ảnh hưởng xấu tới tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận xã hội.

4. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác rà soát, thẩm định, thẩm tra, xác minh và kết luận tiêu chuẩn chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với nhân sự tham gia cấp ủy, ứng cử, giới thiệu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, làm việc ở các cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng nhưng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân. Bổ sung, hoàn thiện quy định, cơ chế quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên ra nước ngoài và có yếu tố nước ngoài. Thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn và cung cấp trao đổi thông tin với tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Kịp thời ngăn chặn các hoạt động móc nối, cài cắm của các thế lực thù địch vào nội bộ ta và các hành vi lộ, lọt bí mật của Đảng, Nhà nước.

5. Chú trọng công tác nắm tình hình tại cơ sở, kết hợp xây dựng cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan chức năng, nghiệp vụ về bảo vệ chính trị nội bộ, trong đó phối hợp hiệu quả trong quản lý báo chí, truyền thông, an ninh mạng và cán bộ, đảng viên ra nước ngoài. Ngoài chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đảng, chính quyền còn có cơ chế, quy định về vai trò, trách nhiệm của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc tập hợp, vận động nhân dân, các tầng lớp xã hội tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước. Cảnh giác, phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề chính trị nội bộ, các cán bộ, đảng viên không bảo đảm đủ tiêu chuẩn chính trị.

6. Tổng kết việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương, từ đó bổ sung, hoàn thiện lý luận về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Nội dung nghiên cứu tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ: Bảo vệ tư tưởng chính trị; bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên và bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước.

7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước. Kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, không để lộ, lọt thông tin, tài liệu bí mật quốc gia.

Bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ lý tưởng, uy tín, vị thế chính trị của Đảng, bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng. Thực tiễn đặt ra cho công tác bảo vệ chính trị nội bộ những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức, đơn vị phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, góp phần phát huy tốt vai trò quan trọng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo đồng thuận trong nội bộ và ngoài xã hội để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Tác giả bài viết: Hiền Thanh

Để lại một bình luận