Lợi dụng các tiện ích của Internet, một số người chỉ vì “háo like, cuồng face”, muốn thỏa mãn “quyền lực ảo” trên mạng xã hội mà đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho những thủ đoạn công kích, chống phá của các đối tượng xấu. Chính vì thế, xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là việc làm hết sức cần thiết, vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Nhận diện một số biểu hiện sai trái, lệch chuẩn trên mạng xã hội
Trước hết, chúng ta cần nhắc lại rằng: Lệch lạc là sai lệch, không đúng, không ngay ngắn. Những quan điểm, tư tưởng, suy nghĩ lệch lạc đương nhiên là những quan điểm không đúng, sai lệch; có nghĩa là trái ngược với sự đúng đắn, sự thật, lẽ phải và chân lý. Thực tế, sự không đúng, lệch lạc có phổ khá rộng, không chi tiết, cứng nhắc nhưng có thể hiểu đó chính là sự phiến diện, một chiều, quy chụp, méo mó, bịa tạc, vi phạm pháp luật…
Trong tiếng Anh, sự lệch lạc là Deviance hay Deviant Behavior, còn có nghĩa là sự lầm lạc, hành vi lệch lạc. Đó là một khái niệm thuộc lĩnh vực xã hội học, được định nghĩa là sự vi phạm có nhận thức các tiêu chuẩn hoặc kỳ vọng của một nhóm hay của xã hội. Trong thực tế, các tiêu chuẩn văn hóa và kỳ vọng bao trùm khá rộng các hoạt động của con người, vì thế sự lệch lạc cũng mang nghĩa rộng tương ứng. Tóm lại, sự lệch lạc thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, ví như sự vi phạm các quy phạm pháp luật, là tội phạm, thấp hơn là sự không tuân thủ các tiêu chuẩn hoặc kỳ vọng ở các cấp độ khác nhau…
Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin tích cực từ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Instargram…, qua quan sát thói quen sử dụng Internet của nhiều người, chúng ta không khó để nhận thấy không ít người đã và đang bị mạng xã hội “dẫn dắt” một cách thái quá, dẫn đến sự “tha hóa”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” – thường xuyên có cái nhìn tiêu cực và quy mọi vấn đề, sự kiện, hiện tượng xã hội thành “màu xám”.
Mạng xã hội cho phép người dùng được thoải mái bày tỏ chính kiến, quan điểm, thái độ; cùng với đó là tính “ẩn danh”, “bình đẳng” khi sử dụng nút “like”, “bình luận”… Vì không phải chịu trách nhiệm pháp lý hay kỹ thuật khi bày tỏ quan điểm yêu ghét cá nhân, nên nhiều người tha hồ nói – viết – chia sẻ lên mạng xã hội những gì mình thích, những gì mình cho là “hay”, là “đúng”, trong khi không đủ kỹ năng, trình độ để phân tích thông tin, thông điệp mà các thế lực thù địch, phần tử xấu cố tình tạo dựng, lan tỏa.
Do đó, người dùng mạng xã hội nếu không được trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để tự xây dựng ý thức “đề kháng”, sẽ rất dễ rơi vào bẫy “tin giả”. Từ đó gây nên những hệ lụy khôn lường, vô hình trung tiếp tay cho các tin giả, tin tiêu cực, gây hoang mang dư luận xã hội.
Các luận điệu của thế lực thù địch trên không gian mạng
Nội dung thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch hết sức đa dạng, phức tạp, trên tất cả các lĩnh vực: tư tưởng, chính trị, xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-An ninh, đối ngoại…, trong đó chúng tập trung tấn công vào một số nội dung cốt lõi thuộc về hệ tư tưởng, đường lối lãnh đạo của Đảng ta, với những luận điệu như sau:
Thứ nhất, các thế lực thù địch đòi Đảng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Chúng tập trung tấn công vào những vấn đề về nguyên tắc then chốt, luận điểm cơ bản nhất, như bác bỏ chủ nghĩa duy vật lịch sử; phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và bản chất giai cấp công nhân của Đảng; phủ nhận lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chử nghĩa xã hội của Việt Nam… chúng công kích, xuyên tạc nhằm “hạ bệ” tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách phủ nhận nội dung, giá trị tư tưởng của Người; cắt rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác–Lê-nin. Nói xấu, bôi nhọ đời tư, hình ảnh lãnh tụ. Điển hình như, ngày 27-9-2018, Tòa án nhân dân quận Thốt Nốt (Thành phố Cần Thơ) đã xét xử sơ thẩm bị cáo Bùi Mạnh Đồng (“tự” Beo, 40 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trước đó, từ năm 2017 đến tháng 7-2018, Bùi Mạnh Đồng đã lấy hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trên mạng internet, sau đó chèn chữ vào hình ảnh, tạo nên nội dung xuyên tạc, vu khống, nhằm bôi nhọ lãnh tụ. Qua đó, đã tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đưa ra những luận điệu xuyên tạc, chống phá đường lối phát triển của Đảng ta.
Thứ hai, ráo riết công kích các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Với luận thuyết “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, họ biện hộ rằng “sự lãnh đạo của một đảng duy nhất là mất dân chủ, là độc tài”, thích ứng với nền kinh tế thị trường “đa nguyên” thì không thể “nhất nguyên chính trị”; tình trạng khủng hoảng và đói nghèo, chậm phát triển ở Việt Nam “là hậu quả của chính sách cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam”… nên “phải xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp về quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam”. Một trong những thủ đoạn xảo quyệt mà chúng thường áp dụng là lợi dụng các trang mạng xã hội, blog cá nhân để tung tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ. Nhất là trước những sự kiện lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, với cấp độ và tần suất những thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội, các blog cá nhân này ngày càng gia tăng…
Thứ ba, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đòi xóa bỏ sở hữu toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đồng nhất với tư nhân hóa nền kinh tế, xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; phủ nhận bản chất giai cấp và cách mạng của lực lượng vũ trang; chia rẽ quân đội nhân dân và công an nhân dân. Tán dương nền tự do báo chí tư sản, nhân danh tự do sáng tạo để tách sự lãnh đạo của Đảng khỏi hoạt động báo chí, văn học, nghệ thuật. Tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta…
Thực tế, các đối tượng phản động đã lập ra rất nhiều các trang web có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước ta như: Việt Tân, VOA Tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do…với hình thức trình bày sinh động, hướng dẫn các Website thu hút được một lượng lớn người sử dụng Internet truy cập hằng ngày. Chúng còn lập những tài khoản giả mạo, các Website của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội…, qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm.
Xây dựng, phát triển vững chắc “thế trận lòng dân” trên không gian mạng
Tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng không phải là cách làm mới – đến nay các thế lực thù địch, thành phần phản động mới tiến hành – mà chúng đã “đeo đuổi”, “kiên trì” thực hiện từ hàng chục năm nay, nhưng quyết liệt hơn trong bối cảnh hiện nay. Mưu toan, mục tiêu bao trùm của những đối tượng “ngụy dân chủ” vẫn là nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi mục tiêu và đường lối phát triển đất nước, phủ định định hướng XHCN ở nước ta…
Trong bối cảnh mới, mỗi công dân càng cần phải nâng cao ý thức “tự phản tỉnh” khi tham gia vào cộng đồng mạng. Cùng với tỉnh táo nhận diện mưu đồ thâm độc của các thế lực thù địch, cần phải phân biệt rõ các quan điểm sai trái với những ý kiến phản biện chính đáng, tâm huyết… Muốn vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh “thế trận lòng dân” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Theo đó, cần quan tâm:
Một là, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng như: Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Luật an toàn thông tin mạng số 86/2015/QH 13, ngày 19/11/2015 của Quốc hội khóa XIII; Luật An ninh mạng số 24/2018/QH 14, ngày 12/6/2018 của Quốc hội khóa XIV. Tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thật tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, xem đây là sự định hướng chiến lược quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Kết hợp các hình thức tuyên truyền đa dạng và linh hoạt như: phối hợp giữa cơ quan chức năng với các cơ quan, địa phương, các cơ sở giáo dục và trường học; tổ chức nói chuyện chuyên đề; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật an toàn thông tin mạng, Luật an ninh mạng…
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái trên không gian mạng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Các thế lực thù địch đã lợi dụng những thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực hiện những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Do vậy, không chỉ kiểm soát chặt chẽ về mặt nội dung mà cần phải bổ sung hoàn thiện về hình thức, phương pháp, cách tiếp cận không để xuất hiện sơ hở cho thế lực thù địch lợi dụng.
Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, gương mẫu chấp hành 19 điều đảng viên không được làm, trong đó chú trọng các điều liên quan đến phát ngôn. Đây cũng là vấn đề thời gian qua còn một số cán bộ, đảng viên vi phạm; có những cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thậm chí có người còn “phụ họa”, vô tình “tiếp tay” cho những quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ tư, quan tâm xây dựng, phát triển các hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới và tích cực tuyên truyền trên không gian mạng; phải chỉ ra cái căn cốt, tinh hoa của văn hóa là gì. Đây sẽ là những “vũ khí tinh thần” quan trọng giúp “cư dân mạng” củng cố bản lĩnh, ý chí; xác định đúng định hướng, mục tiêu, phương thức và hành động khi chia sẻ, lan tỏa những giá trị tích cực trên Internet. Nhờ đó, sẽ giảm bớt các hiện tượng lệch chuẩn trên mạng xã hội và giúp cho các cá nhân trong xã hội sống tốt, hướng tới chân – thiện – mỹ.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi công dân nâng cao hiểu biết, có ý thức chia sẻ, cùng hành động, chủ động loại bỏ những thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng, góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, tạo sự tin tưởng, đồng hành và sẻ chia với Đảng và Nhà nước trong quá trình đấu tranh loại bỏ thông tin xấu độc.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải là “người lính xung kích” trong việc đưa trang mạng xã hội của cá nhân mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”./.
Tác giả bài viết: Minh Ngọc