BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG ĐẢNG TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Trong bối cảnh mới, mỗi công dân càng cần phải nâng cao ý thức “tự phản tỉnh” khi tham gia vào cộng đồng mạng. Cùng với tỉnh táo nhận diện mưu đồ thâm độc của các thế lực thù địch, cần phải phân biệt rõ các quan điểm sai trái với những ý kiến phản biện chính đáng, tâm huyết… Muốn vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh “thế trận lòng dân” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.     

Tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, khi tỉ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%. Việt Nam có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội vào tháng 1 năm 2024, tương đương với 73,3% tổng dân số. Tổng cộng có 168,5 triệu kết nối di động tại Việt Nam đầu năm 2024, con số này tương đương với 169,8% tổng dân số.

Hiện nay, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới và xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng tăng. Các nền tảng mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn như Facebook, YouTube, Zalo, Instagram…, đều có sự phát triển nhanh chóng, phủ sóng rộng rãi, mang lại nhiều tác động tích cực như tạo nên sự kết nối, chia sẻ các thông tin hữu ích, nâng cao kỹ năng sống, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội; tham gia vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Mạng xã hội cho phép người dùng được thoải mái bày tỏ chính kiến, quan điểm, thái độ; cùng với đó là tính “ẩn danh”, “bình đẳng” khi sử dụng nút “like”, “bình luận”… Vì không phải chịu trách nhiệm pháp lý hay kỹ thuật khi bày tỏ quan điểm yêu ghét cá nhân, nên nhiều người tha hồ nói – viết – chia sẻ lên mạng xã hội những gì mình thích, những gì mình cho là “hay”, là “đúng”, trong khi không đủ kỹ năng, trình độ để phân tích thông tin, thông điệp mà các thế lực thù địch, phần tử xấu cố tình tạo dựng, lan tỏa.

Do đó, người dùng mạng xã hội nếu không được trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để tự xây dựng ý thức “đề kháng”, sẽ rất dễ rơi vào bẫy “tin giả”. Từ đó gây nên những hệ lụy khôn lường, vô hình trung tiếp tay cho các tin giả, tin tiêu cực, gây hoang mang dư luận xã hội.

Bên cạnh tính ưu việt, mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội, con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là việc các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chống đối chính trị đã và đang triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tiến hành phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã lập ra và sử dụng hàng nghìn trang mạng xã hội vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng, chống phá chế độ ta. Chúng tập trung xuyên tạc, nói xấu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, nhiều trang mạng xã hội của bọn phản động trong và ngoài nước như: Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Dân làm báo, Quan làm báo, Việt Tân, BBC… thường xuyên đăng tải những bài viết với lời lẽ chống Đảng, chống chế độ một cách điên cuồng, mù quáng. Chúng tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường, các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách đó là sai lầm và đòi xóa bỏ. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của chính quyền các cấp, các vụ việc phức tạp… để kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.

Bên cạnh đó, mạng xã hội có thể làm gia tăng nguy cơ lộ, lọt bí mật nhà nước. Trong số hàng chục triệu người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội, có không ít người là cán bộ, đảng viên, làm việc trong các cơ quan, đơn vị có liên quan đến bí mật nhà nước. Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên mạng xã hội hoặc sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc, trao đổi. Trong khi đó, hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, trách nhiệm, ý thức bảo mật chưa tốt, làm gia tăng nguy cơ lộ, lọt bí mật nhà nước. Lợi dụng các vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên internet, nhiều đối tượng đã đăng tải lại các tài liệu mật trên mạng xã hội, tạo diễn đàn xuyên tạc, nói xấu chính quyền.

Để tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch thường tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, không ngừng rêu rao những luận điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp.  

Hai là, tập trung công kích vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là không cần thiết, là trở ngại lớn của nền dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay can thiệp quá sâu, “lấn sân”, “làm thay” công việc của Quốc hội, Chính phủ… Thực chất những luận điệu này là nhằm hướng tới một thủ đoạn thâm độc, nham hiểm nhằm đối lập Đảng với Nhà nước và Nhân dân, dọn đường cho sự hình thành tư tưởng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” với mục đích vô hiệu hoá vai trò lãnh đạo của Đảng.

Ba là, ráo riết công kích các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Với luận thuyết “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, họ biện hộ rằng, sự lãnh đạo của một đảng duy nhất là mất dân chủ, là độc tài, thích ứng với nền kinh tế thị trường “đa nguyên” thì không thể “nhất nguyên chính trị”; tình trạng khủng hoảng, đói nghèo, ô nhiễm, môi trường, chậm phát triển, văn hóa xuống cấp… là “sai lầm” trong lãnh đạo của Đảng. Họ cố tình thổi phồng những khuyết điểm, yếu kém trong Đảng, quy kết và coi đó là “cái phổ biến”, là bản chất của Đảng. Trong khi Đảng ta kiên quyết, kiên trì với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì họ lại xuyên tạc rằng “đó chỉ là những quân tốt thí để giữ thế cờ”; đồng thời tung tin thất thiệt, nói sai sự thật, vu cáo trắng trợn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhằm tạo dư luận xấu, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ Đảng và hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quần chúng Nhân dân.

Bốn là, phát tán những thông tin sai trái về nhân sự các cấp; đưa ra những “tài liệu”, bình luận gây hoang mang dư luận; tung ra những “chuyện giật gân” trong sinh hoạt của lãnh đạo, đề cao người này, hạ thấp người kia, kích động, chia rẽ lãnh đạo cấp cao của Đảng, gây nghi ngờ, chia rẽ Nhân dân với Đảng…

Năm là, lợi dụng một số hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành xã hội của chính quyền các cấp để tập trung bôi nhọ, công kích bằng thủ đoạn “đan xen, lồng ghép thật giả”, tạo dựng những “bằng chứng” cho thấy chính quyền “vô tích sự”, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của người dân, không chăm lo an sinh xã hội…

Một số giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Trong tình hình hiện nay, mỗi người dân càng phải nâng cao trách nhiệm khi tham gia vào cộng đồng mạng. Cùng với tỉnh táo nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cần phải phân biệt rõ các quan điểm sai trái, thù địch với những ý kiến phản biện chính đáng, tâm huyết. Muốn vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh “thế trận lòng dân” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Theo đó, cần có các giải pháp:

Một là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên MXH; Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; Chấp hành tốt Luật An ninh mạng; Luật An toàn thông tin mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và văn bản khác có liên quan để tránh bị vi phạm, hay vô tình bị lợi dụng, tiếp tay cho những thế lực thù địch. Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc, thủ đoạn diễn biến hòa bình, phá hoại của một số thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận; chủ yếu qua đấu tranh trên Internet, MXH, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Nêu cao tính gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong sử dụng Internet, MXH, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo; phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng MXH để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ. Và hơn hết, cán bộ, đảng viên phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc học tập, tuyên truyền cũng như thực hiện.

Thứ hai, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục nhận thức, trách nhiệm cho Nhân dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh khi sử dụng mạng xã hội. Để thực hiện tốt nội dung này, các cấp ủy cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng, làm cho họ nhận thức và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền tự do thông tin, tự do báo chí, công tác quản lý, sử dụng internet và mạng xã hội.

Thứ ba, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xây dựng môi trường mạng xã hội văn minh, lành mạnh, an toàn.

Bốn là, tăng cường các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng MXH để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Các cơ quan Nhà nước tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin chính thống từ nhiều góc nhìn khách quan trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên về nhận diện và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Mỗi người dân khi xem thông tin trên Internet, MXH, phải biết rõ nguồn gốc của thông tin, phân biệt tin thật, tin giả; thường xuyên tiếp cận những thông tin chính thống, bổ ích; không để mình bị sa vào những thông tin thất thiệt, tiêu cực.

Thứ năm, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần xây dựng được quy định, quy ước sử dụng mạng xã hội; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức quần chúng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải là “người lính xung kích” trong việc đưa trang mạng cá nhân mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo cho họ phải trở thành “pháo đài vững chắc” trên trận địa đấu tranh bảo vệ  nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tự giác đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, trực diện đấu tranh với thông tin xấu, độc, tạo thành phong trào rộng khắp làm cho mạng xã hội ngày càng tích cực, lành mạnh.

Thứ sáu, quan tâm xây dựng, phát triển các hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới và tích cực tuyên truyền trên không gian mạng; phải chỉ ra cái căn cốt, tinh hoa của văn hóa là gì. Đây sẽ là những “vũ khí tinh thần” quan trọng giúp “cư dân mạng” củng cố bản lĩnh, ý chí; xác định đúng định hướng, mục tiêu, phương thức và hành động khi chia sẻ, lan tỏa những giá trị tích cực trên Internet. Nhờ đó, sẽ giảm bớt các hiện tượng lệch chuẩn trên mạng xã hội và giúp cho các cá nhân trong xã hội sống tốt, hướng tới chân – thiện – mỹ.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải là “người lính xung kích” trong việc đưa trang mạng xã hội của cá nhân mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phân tích, bình luận, chia sẻ các bài viết về những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay trong các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”./.

Để lại một bình luận